Thông tin thị trường thép

Ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng về cuối năm

Ngành thép năm 2019 dự kiến vẫn sẽ có tăng trưởng tốt, trong đó, động lực là dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành 2 lò cao hết công suất, đạt 7,5 triệu tấn/năm.

Sản xuất thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo dự báo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tăng trưởng ngành thép Việt Nam đến cuối năm và năm 2020 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, song hiệu quả sản xuất kinh doanh có thể giảm.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, do những biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, điện năng tăng làm cho chi phí sản xuất tăng; cạnh tranh gay gắt trong nước do nguồn cung mất cân đối với nhu cầu cũng như phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giả rẻ là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngành thép năm 2019 dự kiến vẫn sẽ có tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, động lực là dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành 2 lò cao hết công suất, đạt 7,5 triệu tấn/năm.

Năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn.

Một dự án là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng có kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2019. Theo đó, lò cao số 1 đi vào sản xuất năm 2019, còn các lò cao còn lại sẽ hoàn thành theo tiến độ 4 tháng/lò.

Dự tính, nếu huy động hết công suất các dự án này sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép, qua đó, đóng góp vào tăng trưởng của ngành thép nói riêng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung.

Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, ngành sản xuất thép trong nước 6 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm thép.

Cụ thể, tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép các loại lần lượt đạt 7,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, riêng quý 2/2019, sản xuất thép các loại đạt hơn 6,5 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 7,8% so với quý 1/2019.

Bán hàng thép các loại đạt hơn 5,9 triệu tấn, tăng 3,2% so vói Quý I/2019 và tăng 2,7% so với quý 2/2018. Xuất khẩu thép các loại đạt 1,16 triệu tấn, giảm so với cùng kỳ năm 2018 và quý 1/2019 lần lượt là 47% và 11%.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia lĩnh vực thép, tăng trưởng trong ngành thép những tháng qua có sự chững lại do các yếu tố về chi phí nguyên liệu tăng, yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, dự báo về cuối năm, sản xuất và tiêu thụ thép sẽ có bước tăng trưởng. Bởi Việt Nam đang hội nhập rất mạnh và đây là cơ sở cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các nước hơn nữa, đồng thời là động lực để doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho rằng, để có thể đảm bảo tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp rất cần Nhà nước tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả.

Trong ngắn hạn trước mắt, VSA kiến nghị không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa, để tránh phát sinh thêm những bất ổn nguồn cung trong nước; chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay các sản phẩm thép (thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ và sơn phủ màu).

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần ban hành và có biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngooài vào Việt Nam những công nghệ không thích hợp, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường như các lò điện cảm ứng sản xuất thép.

Nguồn tin: Baoxaydung

Bài viết liên quan

Để lại bình luận