Thông tin thị trường thép

Sắt thép các loại tăng mạnh cả về lượng và trị giá khi xuất sang Brazil 6T/2019

 Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao có bề dày 30 năm, với chính sách mở cửa, hướng ra xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.

Brazil là đối tác chiến lược về hợp tác nông nghiệp của Việt Nam. Brazil có những sản phẩm giữ ngôi vị “nhất thế giới” như: đậu tương, đàn bò, bông. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thể trao đổi, bổ trợ với Brazil, trong đó có sản phẩm tôm, cá tra.

Tuy vậy, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu mặt hàng thủy sản sang Brazil trong 6 tháng đầu năm 2019 lại sụt giảm 23,99% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 29,91 triệu USD.

Bên cạnh nhóm hàng thủy sản, các nhóm sản phẩm mây, tre, cói, thảm cũng giảm 12,9% đạt 577.192 USD ; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 33,35% đạt 5,74 triệu USD ; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 23,51% đạt 92,14 triệu USD.

Trái ngược với sản phẩm từ sắt thép giảm (25,17%) thì sắt thép các loại lại là nhóm hàng được chú ý với mức tăng mạnh cả về lượng (179,52%) và trị giá (167,63%). Có mức tăng mạnh không kém với 165,07% là nhóm sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ nhưng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ 0,01% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Brazil nửa đầu năm 2019, đạt 80.495 USD.

Chiếm thị phần lớn nhất phải kể đến nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với 37,29% đạt 387,02 triệu USD trong tổng kim ngạch 1,03 tỷ USD.

Hiện nay, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Brazil chênh lệch nhau không lớn, nhưng nếu tính riêng về giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm và thủy sản thì chênh lệnh nhau tới 13 lần – kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Brazil là 1,5 tỷ USD trong khi xuất khẩu sang Brazil được 110 triệu USD. Chính vì thế, việc đẩy mạnh hợp tác trao đổi, mở cửa thị trường những mặt hàng mới sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Sự biến động của thương mại thế giới khiến xu hướng đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu được Brazil tiếp tục đẩy mạnh. Hiện tại, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm ưu thế là thủy sản, giày dép, sản phẩm từ cao su và hàng thủ công mỹ nghệ. Brazil có nhu cầu cao cho các sản phẩm tiêu dùng và làm đẹp với giá cả cạnh tranh. Vì vậy, để củng cố vị trí các mặt hàng trên tại thị trường này, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội chợ để quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác mới. Đồng thời lưu ý cập nhật thông tin thường xuyên và đảm bảo chất lượng hàng theo quy định nước sở tại nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu vì mục đích lâu dài.

Nguồn tin: Vinanet

Bài viết liên quan

Để lại bình luận